Cuộc tấn công đẫm máu đó đã châm ngòi cho chiến dịch quân sự lớn của Israel tại dải đất Gaza với mục tiêu xóa sổ tổ chức Hamas. Máu trả bằng máu,ĐiểmxungđộtGazathànhnghĩađịatrẻemgiữthất hình đại tội đến nay đã có hơn 10.000 người thiệt mạng ở Gaza, trong đó có hàng nghìn trẻ em.
Một tháng qua, nhiều gia đình Israel chưa nguôi ngoai nỗi đau mất người thân. Một tháng qua, người dân Gaza dường như đang mắc kẹt trong thảm cảnh không lối thoát. Và một tháng qua, với những người đang đau đáu chờ tin tức người thân bị bắt làm con tin, mỗi một ngày là một cơn ác mộng.
Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), ngày hôm nay 7.11 thông báo bộ binh nước này "đang gia tăng áp lực lên thành phố Gaza" sau khi cắt đôi Dải Gaza và cô lập khu vực miền bắc.
Truyền thông Israel đưa tin giao tranh đang diễn ra gần bệnh viện Shifa ở thành phố Gaza. Israel cáo buộc lực lượng Hamas đặt sở chỉ huy ở bên dưới bệnh viện này.
Quân đội Israel cho biết đã gây thiệt hại đáng kể cho hạ tầng trên mặt đất cũng như mạng lưới đường hầm của Hamas, và cho rằng nhiều chỉ huy tác chiến của Hamas ẩn náu trong đường hầm đã thiệt mạng.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant thông báo đã phê duyệt kế hoạch bổ sung cho chiến dịch trên bộ của IDF.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây hé lộ ý định duy trì kiểm soát Gaza vô thời hạn.
Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết hai tên lửa của Israel đã bắn trúng bệnh viện al-Quds ở thành phố Gaza trong đêm.
Trước đó, tổ chức này đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp tới các tổ chức cứu trợ quốc tế, và cho biết bệnh viện sẽ hết nhiên liệu trong vòng 48 giờ, đồng nghĩa với việc các thiết bị cứu sinh, lồng ấp trẻ sơ sinh và phòng chăm sóc đặc biệt sẽ ngừng hoạt động.
Theo Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine, bệnh viện al-Qudz cũng là nơi sơ tán của 14.000 người dân.
Theo cơ quan y tế Gaza do Hamas điều hành, các cuộc tấn công của Israel đã khiến hơn 10.000 người Palestine thiệt mạng tại lãnh thổ này, có tới 40% trong số đó là trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Liên Hiệp Quốc đã phải cảnh báo rằng Gaza đang biến thành "mồ chôn trẻ em". Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres hôm 6.11 tiếp tục kêu gọi các quốc gia "hành động ngay bây giờ để tìm cách thoát khỏi ngõ cụt tàn bạo, khủng khiếp và đau đớn này".
Nga hôm nay lên tiếng cho rằng Israel dường như đã thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân, sau khi Bộ trưởng Di sản của Israel gợi ý ném bom nguyên tử vào Gaza.
Cụ thể thì Bộ trưởng Di sản Israel Amichai Eliyahu hôm 5.11 nói ông không hoàn toàn hài lòng với quy mô các cuộc tấn công mà Israel đang tiến hành ở Dải Gaza nhằm đánh trả Hamas.
Khi được hỏi ông có ý định thả "một loại bom nguyên tử nào đó" xuống Dải Gaza hay không, Bộ trưởng Eliyahu đã trả lời rằng "đây là một lựa chọn".
Israel chưa bao giờ thừa nhận sở hữu vũ khí hạt nhân, dù Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ ước tính nước này sở hữu khoảng 90 đầu đạn. Ông Eliyahu sau đó giải thích bình luận của mình về bom nguyên tử chỉ là "phép ẩn dụ".
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: "Phát biểu đó đặt ra rất nhiều câu hỏi lớn. Câu hỏi đầu tiên là có phải chúng ta đang nghe tuyên bố chính thức về việc Israel sở hữu vũ khí hạt nhân hay không? Câu hỏi tiếp theo mà ai cũng muốn đặt ra là các tổ chức quốc tế, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các thanh sát viên đang ở đâu".
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel hôm 6.11 cũng tuyên bố việc bộ trưởng Israel gợi ý ném bom hạt nhân vào Gaza là "không thể chấp nhận" và kêu gọi các bên không "phát biểu thù hận" khiến căng thẳng leo thang.
Là đồng minh chủ chốt của Israel, Mỹ không ủng hộ những lời kêu gọi ngừng bắn, mà nhấn mạnh rằng Israel có quyền đáp trả.
Điều này đã khiến một số nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng phản đối chính sách của Washington đối với cuộc chiến.
Điện Kremlin hôm 7.11 đã kêu gọi tạm dừng nhân đạo ở Gaza và mô tả tình hình nhân đạo ở đây là "thảm họa".
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ tiếp tục liên lạc với Israel, Ai Cập và Palestine để giúp đảm bảo nguồn cung cấp nhân đạo có thể được chuyển đến Gaza.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Nhật Bản để tham dự cuộc họp của các ngoại trưởng G7 dự kiến tập trung vào cuộc chiến Hamas-Israel.
Tại cuộc họp này, Nhật Bản hôm 7.11 tuyên bố sự hỗ trợ của nhóm dành cho Ukraine sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Trung Đông.
Ngoại trưởng Nhật Bản Yōko Kamikawa trong một cuộc họp báo cho biết: “Cam kết của chúng tôi trong việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc chống lại Nga và hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine không hề thay đổi, ngay cả khi tình hình ở Trung Đông ngày càng căng thẳng”.
Bà Kamikawa cho biết G7 đang sắp xếp một cuộc gặp trực tuyến với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, được tổ chức trong thời gian diễn ra cuộc họp ở Tokyo.
Sau khi các bộ trưởng ngoại giao của khối gặp nhau vào tháng 9, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết các nước G7 đã nhận ra rằng Nga đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và điều này đòi hỏi sự hỗ trợ kinh tế và quân sự lâu dài cho Kyiv.
Tuy nhiên, ngay tại thời điểm then chốt này, rạn nứt nội bộ tại Ukraine dường như ngày càng hiện rõ trước mắt các đồng minh phương Tây. Trong khi Tổng thống Volodymyr Zelensky muốn Ukraine tiếp tục tiến công để giành thắng lợi, thì các tướng lĩnh lại cho rằng cục diện chiến trường đã đến ngưỡng "đóng băng".
Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 6.11 cho biết đây hiện không phải là thời điểm thích hợp để tổ chức các cuộc bầu cử.
Tất cả các cuộc bầu cử ở Ukraine, bao gồm cả cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào mùa xuân tới, đều bị hủy bỏ theo thiết quân luật có hiệu lực kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào năm ngoái.
AFP dẫn lời ông Zelensky cho biết: “Chúng ta phải quyết định rằng bây giờ là thời điểm phòng thủ, thời điểm chiến đấu mà số phận của đất nước và người dân phụ thuộc vào đó".
Ông nói rằng đây là lúc để đất nước đoàn kết và không bị chia rẽ.
Ông Zelensky, người giữ chức tổng thống Ukraine vào năm 2019, hồi tháng 9 nói rằng ông sẵn sàng tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới nếu cần thiết và ủng hộ việc cho phép các quan sát viên quốc tế tham dự. Việc bỏ phiếu có thể gặp khó khăn về mặt hậu cần do số lượng lớn người Ukraine và binh lính đang chiến đấu ở mặt trận.