Tính đến hôm qua 7.11,ộtthángxungđộngoac tv cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel đã tròn một tháng và không có dấu hiệu hạ nhiệt. "Các hoạt động trên bộ của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và các cuộc bắn phá liên tục đang tấn công dân thường, bệnh viện, trại tị nạn, nhà thờ Hồi giáo và các cơ sở của LHQ, trong đó có cả những nơi trú ẩn. Không ai được an toàn…
Cùng lúc, Hamas và các lực lượng dân quân khác dùng dân thường làm lá chắn sống và tiếp tục phóng rốc két một cách bừa bãi về phía Israel", Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu tại trụ sở LHQ ở TP.New York (Mỹ) ngày 6.11.
Điểm xung đột: Gaza thành "nghĩa địa trẻ em" giữa giao tranh Hamas-Israel; nội bộ Ukraine rạn nứt?
"Gaza đang trở thành nghĩa địa trẻ em"
Ông Guterres đưa ra tuyên bố trên sau khi Cơ quan Y tế Gaza cùng ngày cho biết các cuộc tấn công trả đũa của Israel đã khiến trên 10.000 người Palestine thiệt mạng, trong đó có hơn 4.100 trẻ em, và hơn 25.000 người bị thương, theo CNN. "Gaza đang trở thành nghĩa địa trẻ em. Hàng trăm bé gái và bé trai được cho là thiệt mạng hoặc bị thương mỗi ngày", ông Guterres cảnh báo. Trước đó, phía Israel cho biết trong ngày 7.10, khoảng 3.000 tay súng Hamas vượt biên giới vào miền nam Israel, giết chết khoảng 1.400 người và bắt hơn 200 người đến Dải Gaza làm con tin.
Ngoài thương vong, cuộc xung đột đang khiến nhiều người dân ở Gaza đối mặt tình trạng ngày càng khó khăn sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố phong tỏa toàn diện Gaza, cắt điện và chặn nguồn cung thực phẩm. Ông Guterres cho hay chỉ hơn 400 xe tải chở hàng viện trợ đã đi vào Gaza trong hai tuần qua, so với 500 xe/ngày trước cuộc xung đột, trong số đó không có xe cung cấp nhiên liệu. "Nếu không có nhiên liệu, trẻ sơ sinh trong lồng ấp và bệnh nhân cần hỗ trợ sự sống sẽ chết", ông Guterres nói.
Israel cho đến nay vẫn chống lại sức ép quốc tế và ngăn chặn nhiên liệu vào Gaza với lập luận rằng Hamas sẽ cố chuyển hướng các xe chở nhiên liệu để cung cấp năng lượng cho các đường hầm và cơ sở hạ tầng quân sự khác, theo tờ The Times of Israel.
Cục diện hiện nay
Trước tình hình trên, ông Guterres tiếp tục kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. Tuy nhiên, HĐBA LHQ hôm qua vẫn không đạt được sự đồng thuận về dự thảo nghị quyết nhằm ngăn chặn xung đột Hamas - Israel, theo CNN. Trong đó, Mỹ và Anh đã phản đối việc đưa lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức vào dự thảo nghị quyết, trong khi một số thành viên khác của HĐBA ủng hộ.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 6.11 nói với Đài ABC News rằng lệnh ngừng bắn chung sẽ cản trở nỗ lực chiến đấu của Israel, nhưng việc tạm dừng vì lý do nhân đạo, ý tưởng được Mỹ ủng hộ, sẽ tiếp tục được xem xét tùy theo hoàn cảnh. Tuy vậy, ông Netanyahu sau đó gợi ý rằng ông sẽ đồng ý về một lệnh ngừng bắn nếu Hamas thả tất cả hơn 200 con tin bị giam giữ ở Gaza. Ông Netanyahu còn nói rằng Israel sẽ chịu "trách nhiệm an ninh tổng thể" đối với Gaza trong một thời gian không xác định sau khi cuộc chiến chống Hamas kết thúc.
Thủ tướng Netanyahu đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh IDF bắt đầu mở rộng chiến dịch đổ bộ quy mô lớn vào phía bắc Gaza từ ngày 27.10 nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas. IDF hôm qua cho biết các lực lượng Israel đã giành quyền kiểm soát một tiền đồn quân sự của Hamas ở trung tâm TP.Gaza. Phát ngôn viên IDF Daniel Hagari hôm 5.11 khẳng định các lực lượng Israel đã bao vây TP.Gaza ở phía bắc Dải Gaza, theo AFP.
Israel hé lộ ý định kiểm soát an ninh Gaza vô thời hạn
Hệ quả khó lường
Cho đến nay, cuộc xung đột Hamas - Israel chưa lan rộng trong khu vực Trung Đông, nhưng đã có một số diễn biến đáng lo ngại. Bộ Y tế Palestine hôm qua nói rằng số người Palestine thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel ở Bờ Tây kể từ ngày 7.10 đã tăng lên hơn 160 người, theo Hãng tin AA. Ngoài ra, kể từ ngày 8.10 đã xảy ra nhiều đợt giao tranh ở khu vực biên giới Israel - Li Băng giữa các lực lượng Israel và lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Li Băng, gây lo ngại Hezbollah sẽ tham gia xung đột.
Trong một bài bình luận được tờ The Japan Timesđăng ngày 5.11, ông Mark Leonard, Giám đốc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, cho rằng những hậu quả tức thì nhất của xung đột Hamas - Israel sẽ được cảm nhận ở Trung Đông. Ông Leonard chỉ ra trong nhiều năm, Thủ tướng Netanyahu đã hoạt động với kỳ vọng Israel có thể bình thường hóa quan hệ với thế giới Ả Rập mà không cần giải quyết vấn đề Palestine. Giờ đây dù kết quả của cuộc tấn công ở Gaza có ra sao đi nữa, Israel có thể phải xem xét lại toàn bộ chiến lược của mình đối với tiến trình hòa bình ở Trung Đông vốn đang suy yếu. Nhiều nhà quan sát đánh giá các bước đi của Israel hiện cũng khiến nước này mất dần sự ủng hộ vì những hậu quả với dân thường.
Giới ngoại giao Mỹ chia rẽ, lộ văn bản kêu gọi lên án Israel tấn công dân thường
Ông Leonard còn cho rằng xung đột Hamas - Israel cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng ngoài Trung Đông, với một trong những bên chịu ảnh hưởng nặng nhất là Ukraine bởi sự sống còn của Ukraine phụ thuộc vào sự hỗ trợ liên tục của cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, nếu xung đột Israel - Hamas leo thang hơn nữa, với sự can thiệp của Iran, tác động lên giá dầu có thể khiến phương Tây phải trả giá đắt hơn trong việc duy trì các biện pháp cấm vận đối với năng lượng Nga, theo ông Leonard.