ẤM LÒNG NGƯỜI DÂN VÙNG LŨ
Sáng 15.10,ượtsôngmangquàđếntậnnhàngườidânvùngngậplụbong da đoàn từ thiện của ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt với sự dẫn đường của PV Thanh Niênđã đến thôn Câu Hà (xã Hải Phong, H.Hải Lăng, Quảng Trị). Dù lịch trình di chuyển khá dài, qua nhiều phương tiện từ Bà Rịa-Vũng Tàu ra, nhưng vị ni sư đã hơn 70 tuổi này yêu cầu mọi người lập tức vào việc. Bởi tại xóm Chùa (thôn Câu Hà) có hơn 140 người dân đang đứng đợi ni sư từ sớm. Đối tượng được lựa chọn để nhận các phần quà (gồm 1 triệu đồng tiền mặt, 1 chai dầu, 1 gói bánh) lần này của ni sư Tâm Nguyệt là những người trên 80 tuổi, neo đơn, người tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn… Giữa mưa lũ tơi bời, họ trông càng đáng thương.
Ông Bùi Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Hải Phong, cho biết do ảnh hưởng của đợt thời tiết xấu vừa qua, vốn là địa bàn thấp trũng nhất của Quảng Trị, nhiều khu vực của xã nhanh chóng bị nước lũ dâng ngập, đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng. "Sự có mặt của sư Tâm Nguyệt lúc này, ngoài sự động viên về vật chất còn là sự động viên về tinh thần giữa lúc mưa lũ. Bà con thực sự ấm lòng", ông Giang nói.
Khi biết ở Câu Hà vẫn còn một vùng đất "thấp trũng nhất của vùng thấp trũng" mang tên là càng Hạ Đồng, ít người lui tới khi có mưa lũ, ni sư Tâm Nguyệt quyết định vượt sông Ô Lâu để đến thăm bằng được. Càng Hạ Đồng là một trong những vùng đất thấp trũng nhất của xã Hải Phong, từ lâu được xem là "rốn lũ" của H.Hải Lăng. Vượt hơn 1.000 km từ Bà Rịa-Vũng Tàu ra, mất khoảng hơn 40 phút đi đò máy giữa cơn mưa tầm tã trên sông Sa Lung đang xấp xỉ ở mức báo động 2, cuối cùng đoàn của ni sư Tâm Nguyệt cũng đã đến được với người dân đang đứng chờ... "Thực sự chúng tôi bất ngờ vì mưa gió như này mà cũng có người ra đây phát quà. Chắc cũng chỉ có sư Tâm Nguyệt", bà Lý Thị Hà, cư dân càng Hạ Đồng, cảm thán.
Càng đến nơi khó khăn thì càng động viên được người dân, ni sư Tâm Nguyệt chia sẻ. Và có lẽ cũng vì cảm nhận được sự vất vả của 15 hộ dân bám trụ trên rẻo đất này mà ni sư quyết định tặng 2 triệu đồng/hộ thay vì tặng 1 triệu đồng/hộ như kế hoạch ban đầu. Ngoài ra, ni sư còn tặng thêm 3 triệu đồng cho một người dân ở Hạ Đồng để đóng chiếc ghe mới, do người này chèo chiếc ghe cũ nát, mất an toàn đến nhận quà…
Ấy vậy mà trên suốt quãng đường đò chạy trở về, gương mặt của vị ni sư tỏ ra không mấy vui. Ni sư bảo vì sức mình quá nhỏ bé, không thể đủ kinh phí để tặng những món quà lớn hơn hoặc lo hết cho hết thảy người dân vùng thấp trũng này. "Còn sống, tôi sẽ còn trở lại với người dân vùng thấp trũng này nhiều lần nữa…", sư Tâm Nguyệt nói như một lời hứa.
"CHỈ MONG ĐẾN SỚM NHẤT VỚI BÀ CON"
Sau khi trao quà cho các hộ dân vùng lũ tại Quảng Trị, dù có hẹn cùng người dân xã Phong Bình (H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) lúc 14 giờ, nhưng mới hơn 12 giờ ni sư Tâm Nguyệt đã có mặt tại trụ sở UBND xã. Trao đổi với lãnh đạo xã Phong Bình, ni sư muốn nhanh chóng đến tận nơi để kịp thời hỗ trợ người dân. "Đêm qua, sư đọc được tin bà con xã này đang oằn mình với lũ, sáng nay sư lên đường ngay, chỉ mong đến sớm nhất với bà con", ni sư Tâm Nguyệt nói.
Ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phong Bình, cho biết địa phương có địa hình thấp trũng nên mỗi mùa lũ thường gánh chịu thiệt hại nặng nề, đời sống của người dân càng trở nên khó khăn. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp nên hiện vẫn còn 68 hộ nghèo. "Đợt mưa lũ này chỉ kéo dài 2 ngày nhưng các tuyến đường tại địa phương ngập sâu 70 - 80 cm, hiện vẫn còn hơn 100 nhà dân chưa rút nước. Nhận điện thoại từ BáoThanh Niêncho biết có ni sư Tâm Nguyệt đến trao 100 suất quà cho bà con, tôi rất mừng và cảm kích", ông Huy nói.
Gần 14 giờ, đông đảo người dân đã có mặt tại trụ sở UBND xã để nhận quà. Gặp gỡ động viên họ, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt cho hay đã rất nôn nóng khi biết tin mọi người đang sống chung với lũ. "Đến đây, con cảm thấy hạnh phúc. Những phần quà con gửi chỉ là chút quà mọn, mong rằng có đó để bà con mua thêm gạo, nhu yếu phẩm… trang trải trong nhiều ngày mưa tới", ni sư chia sẻ.
Khẩn trương thăm hỏi, động viên người dân tại đây, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt cùng đoàn cán bộ xã và đại điện Báo Thanh Niêntiếp tục hành trình đến các khu vực đang mắc kẹt trong lũ. Trong căn nhà cấp 4, nước vừa rút, bà Nguyễn Thị Gái (79 tuổi, thôn Tây Phú, xã Phong Bình) dầm mình ướt sũng để tranh thủ dọn dẹp. "Hai ngày trước nước lên đến bậc tam cấp, nhà tôi chỉ hai chị em già với nhau nên không biết làm sao. Hôm nay chị tôi thì đi viện, nhà chỉ còn mỗi tôi", bà Gái nói.
Xúc động trước hoàn cảnh ngặt nghèo của hộ dân này, ni sư Tâm Nguyệt tặng bà Gái phần quà và số tiền 2 triệu đồng. Nhận số tiền, bà Gái cảm động: "Tôi đau ốm, nhà một mình nên không đến trụ sở xã để nhận quà được. Rất mừng khi đoàn đã đến tận nơi, trao số tiền lớn này. Chiều nay tôi sẽ ra ngoài mua thêm thức ăn, một ít nhu yếu phẩm để an tâm đối phó những ngày mưa sắp tới".
Theo chỉ dẫn của cán bộ xã Phong Bình, đoàn tiếp tục đến ngôi nhà của ông Nguyễn Đức Thí (85 tuổi), một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất xã. Ông Thí kể, những đợt lũ trước nước lên đến gần 1,5 m, ngập cục bộ. Năm nay, nghe đài báo mưa to, gia đình ông càng thêm lo lắng. Nhận phần quà do địa phương kết nối, ông Thí xúc động: "Vợ tôi thường xuyên đau ốm, bản thân tôi thì già yếu nên sợ nhất là mùa mưa bão không có cái ăn. Số tiền này với gia đình tôi rất lớn, tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn".
Đến với xã Phong Bình lần này, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt đã trao 100 phần quà, mỗi suất gồm nhu yếu phẩm và 1 triệu đồng tiền mặt. Đây cũng là năm thứ 20 ni sư tiếp bước trên hành trình thiện nguyện tại miền Trung.
Tặng xe lăn cho người khuyết tật
Cũng trong chuyến đi này, thông qua Báo Thanh Niên, ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt tặng 3 chiếc xe lăn (trị giá 7 triệu đồng/chiếc) cho người khuyết tật ở Quảng Bình. PV Thanh Niênsẽ sớm chuyển món quà này đến với nơi cần đến.
Nguyễn Phúc