'Nhỏ xíu Handmade'
Đó là tên fanpage mà nhóm của Nguyễn Thùy Trang (24 tuổi,Ướcmơgiúpmìnhgiúpđờicủacôgáixươngthủono rikka ở Đồng Tháp) cùng 4 người bạn cùng mắc bệnh xương thủy tinh lập ra gần 2 tháng trước.
"Nhóm chúng em trước đây đã có những sản phẩm thủ công riêng của mình. Giờ đây, tụi em hợp sức tạo nên một gian hàng online lớn hơn, nhiều sản phẩm hơn để khách hàng dễ lựa chọn. Căn bệnh xương thủy tinh khiến cơ thể tụi em nhỏ xíu, bạn nào cũng cao chưa đến 1 m, nặng chưa đến 30 kg nên đặt tên nhóm là Nhỏ xíu Handmade", Thùy Trang, cô gái làm hoa giấy, chia sẻ.
5 cô gái xương thủy tinh quen nhau nhờ mạng xã hội, thường xuyên trò chuyện, tâm sự nhiều điều trong cuộc sống đã hơn 2 năm. Tháng 9 năm nay, cả nhóm quyết định cùng nhau hợp tác làm việc. Sau khi thống nhất ý kiến, Phạm Thị Mỹ Hạnh (25 tuổi, ở Đồng Nai) đã vẽ ảnh đại diện cho nhóm là 5 cô gái ngồi trên chiếc máy bay giấy. Đào Thị Hoàng Nhiên (23 tuổi, ở Bình Thuận) lập tức thiết kế lại hình ảnh trên máy tính để tấm hình sinh động hơn.
5 cô gái mỗi người mỗi việc, chia nhau tạo fanpage, chuẩn bị nội dung, hình ảnh để đăng bài viết đầu tiên. Tuy chỉ trao đổi online, nhưng cả nhóm kết hợp khá ăn ý, ai cũng tràn đầy năng lượng, sẵn sàng làm việc. Một ngày, trong lúc trò chuyện, Trang ngỏ ý dùng hoa giấy do mình làm gắn lên những bức tranh chibi Hạnh vẽ để bán thử. "Trang gợi ý thì em làm, không dám nghĩ sẽ được mọi người đón nhận. Em tự học vẽ trên mạng nên tác phẩm cũng chưa đẹp lắm", Hạnh, cô gái rụt rè nhất nhóm, kể.
Chỉ khi có người đặt hàng, Hạnh mới tin sản phẩm của mình có người thích. Được khách khen, Hạnh cũng bắt đầu tự tin vào bản thân mình hơn trước. "Em cảm nhận được Trang và các bạn trong nhóm mừng cho em rất nhiều. Em sẽ cố gắng trau dồi nhiều hơn. Hy vọng sắp tới có nhiều đơn hàng hơn, em sẽ khoe với gia đình, làm món quà bất ngờ dành tặng mọi người", Hạnh hào hứng nói.
Cô gái Phạm Nguyễn Anh Thư (26 tuổi, ở TP.HCM) thì lại làm những sản phẩm handmade liên quan đến chủ đề lưu giữ kỷ niệm. Thư làm nghề đã 5 năm nhưng thu nhập không ổn định. Ba năm trước, Thư vẫn không ngại hướng dẫn nghề cho cô bạn của mình là Nguyễn Thị Bích Trâm (26 tuổi ở Q.4, TP.HCM). Nhờ quen Thư mà Trâm học cách làm nên những sản phẩm thủ công đẹp mắt.
Ước mơ lớn của những cô gái nhỏ
Cô em út Đào Thị Hoàng Nhiên vừa tốt nghiệp đại học và đang làm marketing online tại nhà với thu nhập ổn định. Thấy ý tưởng thành lập nhóm làm việc của các chị ý nghĩa nên Nhiên nhiệt tình tham gia chỉnh sửa hình ảnh, truyền thông.
"Ngoài những công việc em có thể đóng góp cho nhóm thì khi làm cùng các chị, em cảm thấy vui hơn, sống đúng với tính cách của mình hơn. Em cũng học hỏi thêm từ các chị cách xây dựng fanpage, thử sức và phát triển kỹ năng làm marketing của mình", Nhiên nói.
Những cô bạn ngoài giờ làm việc riêng thì luôn dành thời gian trò chuyện, phân chia công việc đăng bài lên trang bán hàng đều đặn hằng ngày. Mỗi thành viên trong nhóm đều có những điểm mạnh riêng và điểm yếu cần trau dồi. Làm việc chung là cách để những cô gái học hỏi lẫn nhau trong công việc và cuộc sống.
Cả nhóm mỗi người mỗi nơi nên chưa có dịp gặp mặt 5 thành viên để cùng bàn bạc công việc trực tiếp. Trang chia sẻ, trong quá trình tham gia các hội nhóm người khuyết tật trên mạng xã hội, thấy nhiều bạn đang làm những sản phẩm handmade nhưng chưa có đầu ra. Vì thế, nhóm của Trang mong muốn ngoài tạo thêm thu nhập cho từng thành viên, nhóm sẽ phát triển để cùng kết nối, hỗ trợ thêm nhiều bạn đồng cảnh ngộ.
"Chúng em hay nói đùa với nhau rằng người bệnh xương thủy tinh mong manh nhưng không dễ vỡ, ngược lại còn rất dễ thương. Chúng em tuy nhỏ xíu, nhưng rất mong góp được những điều tốt đẹp nhỏ xíu đến cuộc đời, đặc biệt là những người khuyết tật", Trang nói.